KỲ 3: PHẢI LÀM GÌ KHI CÁ CON CÁ TẠP PHÁ Ổ | THẦY LI DAMAO BÀN VỀ CHUYỆN CÂU CÁ

Phải làm gì khi cá con, cá tạp phá ổ

Chào các bạn! Một tuần trôi qua thật nhanh, mới đó mà đã gặp lại các bạn trên kênh của tôi rồi. Bàn về chuyện câu cá thì có hàng nghìn hàng vạn vấn đề lớn nhỏ khác nhau, tuy nhiên có một vấn đề mà rất nhiều người cùng mắc phải đồng thời cũng khiến chúng tôi rất đau đầu, đó là làm sao tránh được cá con cá tạp trong quá trình đi câu. Nói thật tôi cũng không có cách nào đặc biệt hiệu quả cả, tôi cũng luôn tìm hiểu và thử nhiều phương pháp mới, bởi vì khi chúng ta đi câu thì thường có một quy luật tự nhiên là không có chỗ nào hoàn toàn không có cá con mà chỉ toàn là cá lớn, thông thường cá con cá lớn đều cùng tồn tại song song với nhau, có cá con thì mới có cá lớn và ngược lại. Mà cá nhỏ thì thường vào ổ rất nhanh, cá lớn thì vào ổ chậm hơn, cá càng lớn thì càng có quy tắc riêng của nó, có khi chúng ta đánh ổ cả một ngày hay cả một đêm cũng không thấy cá vào ổ, ta phải đợi trong thời gian khá dài mới có cá vào ổ, nhất là cá lớn thì thời gian vào ổ càng chậm hơn. Cá nhỏ có khi không cần đánh ổ, bạn chỉ cần câu vài nhát thả một ít mồi cá nhỏ nó cũng đã nâng cả cây phao của bạn lên rồi. Có loại cá thiều hay gặp ở vùng Lưỡng Quảng( Quảng Đông và Quảng Tây) có số lượng vô cùng đông đúc, mỗi lần nó bơi theo đàn là cả hàng nghìn hàng vạn con, loại cá này mà vào ổ thì rất khó chịu. Còn có một loại cá nữa cũng khiến bạn đau đầu không kém đó là cá rô phi nhỏ. Rất nhiều cần thủ bao gồm cả tôi cũng không biết nên làm thế nào mỗi khi gặp cá cô phi con. Nếu cá vào ổ theo đàn có số lượng không quá nhiều thì chúng ta còn có cách, đó là có thể thông qua việc thay đổi trạng thái mồi, tỉ trọng mồi, tăng cường độ bết dính của mồi, câu chì chạy… để cải thiện. Nhưng nếu nó nhiều đến một mức nào đó không thể khống chế được thì tôi cũng bó tay. Có một lần tôi tham gia cuộc thi câu ở Quảng Đông gặp phải tình trạng cá thiều nhỏ quá nhiều, phao không cách gì xuống đáy được, rõ ràng trong ổ đã có cá, những cần thủ địa phương họ móc ngô non làm mồi để câu thì câu được cá trắm cỏ, cá chép. Còn chúng tôi dùng mồi câu thì không cách nào câu được cá cả. Những hình ảnh này lúc đó chúng tôi có nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp quay phim dưới nước và đều quay được. Lúc đó tôi có ném một miếng mồi xuống dưới nước, vừa ném xuống thì cá con giống như lăn lộn trong nước vậy, kết thành vòng tròn giành giật nhau một cách kịch liệt, và miếng mồi đã bị diệt gọn trong vòng 1 nốt nhạc. Sau đó tôi lại móc mồi lên trên lưỡi câu và tình trạng cũng diễn ra tương tự, mồi hết nhanh đến không ngờ. Sau đó tôi lại vo cho mồi thật bết, sao cho ném xuống nước lâu đến mấy cũng không bị vụn ra, lúc này tôi cảm giác rõ ràng rằng cá kéo theo mồi xuống, kéo được một lúc thì mồi cũng chìm xuống đáy. Sau đó tôi rút ra được kinh nghiệm và dùng cách này đánh mồi và cuối cùng cũng câu được cá chép. Điều này bạn có thể xem trong clip “ Du điếu Trung Quốc” mùa thứ nhất, tập 20. Clip này bạn có thể thấy được cách tôi trộn mồi, bao gồm tình trạng của cá nhỏ ở dưới nước trước và sau khi chỉnh mồi đều được quay lại rất rõ ràng. Nếu bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn thì có thể tìm xem lại tập này nhé!

Ngoài ra còn có một cách khác để chỉnh trạng thái mồi đó là bằng phương pháp câu. Đó là bạn rút dây thẻo ngắn lại một chút, ví dụ như bạn dùng phao số 3 hoặc số 4 để câu thì tôi trực tiếp cắm phao số 1 vào, nếu cắm phao số 1 bạn vẫn cảm thấy chưa đến đáy thì bạn có thể thêm1 cục chì vào, tách hai hạt chặn ra để câu chì chạy lớn, mục đích là vừa vung cần xuống thì đã đến đích ngay. Đây cũng là một biện pháp không tồi khi gặp tình trạng này.

Có một lần tôi câu ở hồ Hoa Đình cũng gặp tình trạng cá con quá nhiều, lúc đó tôi đã dùng vỏ trấu của lúa mạch rải lên trên mặt hồ nhằm thu hút cá con đến và lợi dụng hướng gió để dụ cá con đi chỗ khác rồi mới vung cần. Sau khi vung cần thì chỉ cần phao chạm đáy và cá đớp mồi thì chắc chắn đó là cá trắm cỏ hoặc cá chép. Còn nếu bạn vung cần như cách bình thường, sau khi vung cần cá sẽ nâng bầu phao lên và quậy nháo lên, như vậy đợi đến khi phao từ từ chìm xuống đến đáy thì sẽ không còn miếng mồi nào nữa cả. Cá con thì lúc nào cũng nhiều như vậy, bạn thực sự không có cách nào cả, câu bằng chì chạy cũng không đến được đáy, mà cho dù có đến được đáy thì cá con cũng sẽ nâng nó lên, chỉ còn cách dụ cá con đi chỗ khác rồi mới bắt đầu câu mới được.

Còn khi cá con nhiều quá mức tưởng tượng, trên dưới gì cũng toàn là cá con, bạn có dụ cách gì cũng không đi thì làm sao? Tôi còn nhớ có một lần đi câu ở Hồ Bắc, cá con rất nhiều, không cách nào dùng ngô để câu, lúc đó tôi dùng cần dài 8m cũng không vung ra được, lại gặp phải gió, dù cho có đánh vươn( thả diều) cũng không đến được điểm câu. Sau đó tôi dùng cách gói mồi( người ta thường gọi là gói sủi cảo), cục mồi khá to, và tôi móc ngô vào trong làm thành 1 viên hình tròn rồi bắt đầu đánh vươn. Đến khi hết mồi rồi cá con sẽ trở nên thật thà hơn, và dùng cách này thì dù cá ăn hết mồi xung quanh cũng không sao, vì chúng ta còn có ngô móc trên lưỡi câu, lúc này cá lớn vào ổ cũng có cơ hội ăn trúng mồi. Trong trường hợp ta muốn câu những con cá không quá lớn như cá diếc, cá lăng nhỏ…, nếu gặp quá nhiều cá rô phi con và cá thiều thì phải làm sao? Về vấn đề này trong những lần đi câu ở Quảng Châu và Vân Nam tôi có thấy cá cần thủ địa phương dùng một loại chất màu đỏ kẹp chung với mồi câu để tránh cá thiều, sau đó tôi có nghe họ nói đó là sudan đỏ nên tôi không dùng nữa, vì bản thân chất này có độc, và tôi cũng có khuyên họ không nên áp dụng cách này để câu. Thực ra nếu quá nhiều cá con cá tạp bạn có thể áp dụng phương pháp của các cần thủ ở Tứ Xuyên, đó là dùng những hạt cườm bằng nhựa kẹp vào mồi câu để đánh lạc hướng chúng. Cách câu này được dùng rất phổ biến ở Tứ Xuyên, câu tay hay đánh vươn đều được. Lúc này bạn có thể dùng ngô, lúa mạch để làm mồi, khi ném mồi xuống nước, cá con sẽ vây quanh mồi, lúc này ta móc hạt cườm trực tiếp vào lưỡi câu và dùng hạt cườm để câu. Nhất là khi đánh vươn ta dùng cách này sẽ rất hiệu quả, vì bạn ném hạt cườm xuống nước 1-2 ngày đều không cần thay hạt mới, chỉ cần có cá vào ổ và cắn câu thì hệ thống báo động sẽ phát ra tín hiệu và lúc này bạn có thể bắt đầu câu cá rồi. Thông thường khi thêm mồi đánh ổ ta không cần phải nhấc cần, vì hạt cườm bằng nhựa không có mùi vị gì cả, mỗi ngày chỉ cần bổ sung ngô, lúa mạch vào một thời điểm nhất định để thêm mồi đánh ổ, sau khi thả cần xuống cũng không cần thu cần, đợi đến sau khi cá lớn cắn câu thì hệ thống báo động sẽ báo hiệu và lúc này bạn mới đi thu cần. Ngoài ra bạn có thể dùng ngô già( lưu ý không được dùng ngô non vì sau khi đánh ổ xong ta móc ngô non vào lưỡi câu thì cá con sẽ ăn như thường cho nên bắt buộc phải dùng ngô già. Bạn đục lỗ trên hạt ngô già sau đó ngâm trong rượu thuốc có vị chua trái cây hạt mùi thơm trái cây( chỉ cần có mùi trái cây là được), ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng câu dụ cá sẽ khác với câu thông thường, nếu bạn dụ cá bằng mồi nhạt thì phải câu bằng mồi nồng và ngược lại. Ví dụ như bạn dùng mồi có mùi vị nhạt để làm mồi đánh ổ thì khi câu bạn phải dùng mồi có mùi nồng đậm để câu, bởi vì sau khi cá vào ổ nó sẽ tìm ăn mồi có mùi vị nồng đậm hơn. Nếu cá con cá tạp quá nhiều, không thể dùng ngô để câu thì lúc này bạn có thể dùng hạt cườm nhựa nói trên để câu. Nếu khi dùng hạt cườm nhựa cũng không câu được thì tôi khuyên bạn nên vác cần về nhà nghỉ ngơi đừng câu nữa, đợi đến tối hoặc ngày mai khi trời chưa sáng hẳn rồi câu tiếp. Bởi vì ở sông hồ hoặc ao đầm tự nhiên thường có các loài cá chuyên ăn các loài cá con cá tạp, chỉ cần trời vừa tối là chúng sẽ chui ra để kiếm mồi, do đó cá con sẽ tìm chỗ để ẩn nấp, và lúc này bạn đi câu chắc chắn sẽ không bị chúng quấy nhiễu nữa. Và khi đó bạn chỉ cần dùng mồi câu thông thường là đã có thể câu được cá lớn. Bạn có thể xem clip ở tập 1 mùa 4 trong “ Du điêu Trung Quốc”, lúc đó tôi đi câu ở Vân Nam và gặp rất nhiều cá con, thời điểm là vào buổi trưa. Sau khi chọn xong điểm câu và đánh ổ thì phát hiện các cần thủ địa phương đều nghỉ trưa hết không ai đi câu cả. Thứ nhất là vì ở Vân Nam tia cực tím rất mạnh, thời tiết vô cùng oi bức, thứ hai là vì lúc này cá con, cá rô phi nhỏ quá nhiều, mồi không cách nào đến đáy được. Tôi thấy những cần thủ địa phương đều nghỉ ngơi, xem điện thoại, xem tin tức hoặc đi nghỉ trưa, đến 4-5h chiều khi cá con ít lại mới bắt đầu vác cần đi câu. Cho nên ở vùng đó họ chỉ câu vào 2 thời điểm trong ngày: sáng và tối, nhất là câu đêm. Đây cũng là quy luật chung của các cần thủ ở Quảng Đông, Quảng Tây, đa số các cần thủ đều lựa chọn câu đêm để tránh tình trạng cá con quậy ổ. Bởi vì trời tối cá con sẽ ít lại, còn nếu nhất định phải câu vào ban ngày khi cá con quá nhiều thì tôi có một câu nói đùa muốn khuyên các bạn, đó là: “ Đừng cố câu nữa, có câu cũng vô ích thôi, không dễ gì trúng được cá lớn đâu!”.

Chúng ta thực sự không có biện pháp nào tốt để cải thiện tình hình cá con cá tạp quậy ổ cả. Tuy nhiên trước khi bỏ cuộc chúng ta cũng có thể sử dụng những cách thông thường như: thay đổi trạng thái mồi cho bết dính hơn, cứng hơn, thay đổi tỉ trọng mồi. Nếu thay đổi trạng thái mồi rồi vẫn không cải thiện được tình hình thì ta có thể thay đổi thành câu chì chạy. Nếu câu chì chạy vẫn không được thì chúng ta có thể móc ngô vào lưỡi để câu. Nếu dùng ngô vẫn không được thì ta có thể câu bằng hạt cườm nhựa. Nếu hạt cườm nhựa vẫn không được thì các bạn hãy về nhà nghỉ ngơi đi nhé.

Clip kỳ này đến đây là hết. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Hẹn gặp lại các bạn vào kì sau!

HÃY KẾT NỐI VỚI VIETNAM FISHING

ZALO 0943434326 | HOTLINE 0943434326

Fanpage Vietnam Fishing
Vietnam Fishing vui nhộn
kênh Youtube Vietnam Fishing
Vietnam Fishing TV bổ ích

Hà Linh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *